Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Quyết Thắng - TP Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

Lịch sử, văn hóa - Xã Quyết Thắng

Xã Quyết Thắng có 4 ngôi chùa; và 4 ngôi Đình, Miếu; 01 nhà thờ Họ Giáo; 01 Đền Đống Bưởi;

      - Chùa Cảnh Linh; thôn Đông Lĩnh

      - Chùa Thanh Mai; thôn Dương Xuân

      - Chùa Quang Liệt ; thôn Hoàng Xá 1

      - Chùa Linh Ứng; thôn Hoàng Xá 3

      - Miếu Tứ Giáp; thôn Hoàng Xá 1; thuộc cấp Quốc gia

      - Miếu Bát Giáp; thôn Hoàng xá 3; cấp tỉnh

      - Miếu Đông Lĩnh; thôn Đông Lĩnh; Cấp tỉnh

      - Đình Dương Xuân; thôn Dương Xuân; cấp tỉnh

Chứng tích lịch sử

Đặt chân tới vùng đất Quyết Thắng thuộc vùng Thanh Hà cũ, chắc hẳn ai cũng được nghe người dân nơi đây giới thiệu về những ngôi chùa cổ như chùa Cảnh linh; chùa Linh Ứng; chùa Quang Liệt; chùa Thanh Mai. Trong những ngôi chùa ấy có nhiều cổ vật quý, và chúng tôi ấn tượng nhất với chiếc chuông đồng ở chùa Quang Liệt, xã Quyết Thắng. Theo các cụ cao niên và lịch sử xã Quyết Thắng ghi chép lại, chuông đồng này có từ thời nhà Tây Sơn, cách đây hơn 200 năm. Đây là chiếc chuông hiếm thời đó còn sót lại. Chuông nặng hơn 2 tạ. Núm chuông được nghệ nhân khéo tay đúc hình một con rồng với nhiều nét hoa văn tinh xảo. Ở mặt chuông có 4 chữ Hán, tạm dịch là “Chuông chùa Quang Liệt". Ngoài ra, trên mặt của chuông còn khắc chữ giới thiệu khái quát về chùa Quang Liệt và tên của những người từng quyên góp tiền để đúc chuông. Những hàng chữ được khắc gọn gàng, tinh tế, rõ ràng nên nhìn rất thẩm mỹ, khác với những chiếc chuông thời nay. Chiếc chuông quý đó bây giờ được treo trang nghiêm trên một khung gỗ chắc chắn đặt ở gian chính của chùa. 

Theo sách “Văn hóa cổ truyền đất Thanh Hà" thì vùng đất linh thiêng này có hàng trăm cổ vật, ngoài chuông đồng, thạp đồng, trước đây người dân còn đào được 2 trống đồng Đông Sơn loại I; làng nào cũng có hàng chục bia đá cổ ở đình chùa, miếu…Tấm bia đá hình vuông lập năm Mậu Tý 1708, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 4 ghi 72 vị khoa bảng có chức vị của làng
Làng Hoàng Xá đúng ngày phiên chợ Vàng. Đây là trung tâm buôn bán, trao đổi của cả thôn và các làng lân cận. Chợ có hai dãy quán đá cổ kính, xây dựng năm Ất Tỵ (1845), mái ngói nhuốm màu rêu phong. Đây là công trình kiến trúc dân gian đặc sắc với mỗi dãy 10 gian, cột bằng đá vuông, trên chi chít chữ Nho ghi những gia đình, dòng họ công đức. Xà ngang, xà dọc, rui mái bằng gỗ tứ thiết, ngói mũi hoa văn. Hè ghép bằng đá phiến. Theo các vị cao niên trong làng, ngày trước chợ họp ngoài bến sông, quán lá sơ sài, đường đi khó khăn, thường xuyên bị thủy tặc cướp phá. Vì vậy người dân đem hàng bày bán ở sân đình Hoàng Xá. Lúc đầu, việc buôn bán thưa thớt, sau người họp đông dần thành chợ Vàng ngày nay. Đến tháng giêng năm 1845, dân làng xây thêm hai dãy quán đá, sân lát gạch xếp nghiêng. Đến thời kỳ Pháp thuộc, đình Hoàng Xá bị phá, chỉ còn lại hai dãy quán.
Ở chợ Vàng, sản vật địa phương, hoa, quả vườn nhà vẫn là chủ đạo. Điều đó khiến cho chợ mang nét nguyên sơ, dân dã tự thuở xưa. Ở góc này là sạp hàng xén bán kim chỉ, nón, áo, các đồ lặt vặt. Ở góc kia là hàng bán quang gánh, thừng, chão, thúng, mủng, giần, sàng. Lại còn gặp cả những hàng chè, hàng bánh đúc, thứ quà quê chẳng lẫn vào đâu. Bà Nguyễn Thị Tý, 65 tuổi, người làng Hoàng Xá vừa gói bánh đúc cho khách, vừa cho biết: “Tôi bán hàng ở chợ Vàng đã hơn 30 năm rồi. Hàng hóa vẫn chỉ là mẹt bánh dày, xôi, bánh đúc dân dã cho người già, con trẻ". Ngày trước, ngoài để buôn bán, hai dãy quán đá chợ Vàng còn là nơi hành lễ, làm cỗ tế mỗi khi làng mở hội đình.
Ngoài hai dãy quán đá chợ Vàng, cánh đồng Hoàng Xá còn có quán Hà Đông được xây dựng từ cuối thế kỷ 19. Quán xây bằng gạch, rộng 3 gian, là nơi tránh mưa nắng, nghỉ ngơi vào ban trưa của người làm đồng. 
Làng Hoàng Xá bây giờ thay đổi từng ngày, đường làng bê-tông to đẹp, các ngôi nhà mái bằng, nhà tầng mọc lên dưới những tán tre. Thế nhưng giữa sự đổi thay ấy vẫn bắt gặp những đoạn đường đá xanh. Nhà giáo Nguyễn Long Nhiêm, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, tác giả cuốn sách “Văn hóa dân gian làng Hoàng Xá", cho biết: “Xuất phát từ vùng đất trũng, lụt lội quanh năm, đường đi lại khó khăn, người Hoàng Xá đã lát đá phiến trên đường làng từ rất sớm. Tổng số đường lát đá trong làng trước kia khoảng 4 km, nay chỉ còn một số đoạn".

Bao quanh bởi sông Đồng Dựng và sông Hương, làng Hoàng Xá từng có 20 cây cầu đá nối sang các làng bên và bắc giữa các xóm. Trong đó, có 6 cây cầu lớn dài từ 10-15 m. Qua thời gian, đến nay, hầu hết các cầu đá bị phá làm trục lúa, nung vôi, lấp làm đường đi. Hiện chỉ còn cầu đá Đồng Tràng dài 13,5 m. Cầu được dựng vào cuối thế kỷ 19, đến nay đã trên 100 năm nhưng vẫn vững chắc. Vừa qua, UBND tỉnh có quyết định cho di dời và lắp đặt cầu đá này ra vị trí mới cố định lâu dài để giải phóng mặt bằng dự án xây dựng nút giao lập thể Ba Hàng.

Với quy mô và bề dày lịch sử, Hoàng Xá còn lưu giữ được nhiều công trình văn hóa, tín ngưỡng cổ. Trong làng có hai ngôi miếu thờ Thành hoàng là miếu Tứ Giáp và miếu Bát Giáp. Miếu Tứ Giáp vẫn giữ nguyên các kiến trúc cổ. Trước sân còn nhiều cây cổ thụ hàng trăm tuổi. Qua một số bia đá, câu đối, thần phả... thì miếu xây muộn nhất cũng khoảng thế kỷ 17. Hiện trong miếu còn lưu giữ 4 bức đại tự cùng 8 đôi câu đối cổ có giá trị. Miếu được công nhận di tích lịch sử quốc gia năm 2001. Miếu Bát Giáp là một công trình mỹ thuật hoành tráng với 3 cửa vào, chạm khắc tứ linh, tứ quý. Hoàng Xá có 5 ngôi chùa thờ Phật: chùa Cả, chùa Mục Đồng, chùa Đò, chùa Am, chùa Đồng Hò. Trong đó tiêu biểu là chùa Cả được xây dựng từ thế kỷ 16. Chùa từng có quy mô 100 gian với gần 100 pho tượng. Trong chùa hiện còn lưu giữ được quả chuông đồng nặng trên 200 kg đúc năm 1801. Đặc biệt, chùa có vườn tháp cổ 12 ngọn, trong đó có 10 ngọn tháp gạch và 2 ngọn tháp đá rất độc đáo.

  Vào làng Hoàng Xá, giữa những ngôi nhà hiện đại, ta còn gặp những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi. Bà Lê Thị Bùi, 83 tuổi, chủ nhân một ngôi nhà cổ cho biết: “Ngôi nhà 5 gian bằng gỗ này được các cụ trong gia đình nhà chồng tôi xây dựng cách đây gần trăm năm". Ngôi nhà bằng gỗ lim, mặt tiền là cửa gỗ bức bàn, vách ngăn hai gian buồng cũng bằng gỗ có hoa văn cây, lá, tản vân tinh xảo. Qua thời gian, phần tường gạch ngôi nhà bị xuống cấp song phần gỗ vẫn nguyên vẹn.

Tinh hoa của Hoàng Xá còn là hàng trăm con người kiệt xuất được sản sinh từ thời khai lập làng. Văn chỉ của thôn được xây dựng vào cuối thế kỷ 17, quy mô 3 gian thờ Khổng Tử và các vị khoa bảng của làng. Qua thời gian, văn chỉ bị hư hại chỉ còn ngôi miếu nhỏ. Tuy nhiên, ở đây còn tấm bia đá hình vuông lập năm Mậu Tý 1708, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 4 ghi 72 vị khoa bảng có chức vị của làng. Tiếp nối truyền thống cha, ông đến nay, Hoàng Xá có hàng trăm người có trình độ đại học, hàng chục giáo sư, tiến sĩ. Riêng dòng họ Lê ở Hoàng Xá đã có gần 100 người có bằng đại học.


 

​